Đặt tên thật kêu cho món ăn, đặt thức ăn nhỏ trong đĩa lớn,… là những chiêu “độc” mà mẹ Nấm đã dùng để dụ con ăn nhiều hơn.
Đối với mẹ nuôi con nhỏ, việc khổ sở, đau đầu vì con quá
lười ăn, “khảnh” ăn là tình trạng khá phổ biến. Ai mà không mong muốn con mình
ăn nhiều để hấp thụ được các chất dinh dưỡng, tăng cân đều và phát triển tốt?
Trong quá trình chăm sóc bé Nấm, mình đã đúc rút được nhiều mẹo nho nhỏ, giúp
con ăn ngoan hơn, nhiều hơn, xin chia sẻ với các mẹ dưới đây:
Đặt tên thật “kêu” cho món ăn

Gọi canh trứng cà chua là “canh mây trứng”, bé sẽ thích ăn
hơn nhiều – mẹ đã thử chưa?
Mình đã áp dụng cách này với bạn Nấm và đã chứng kiến hiệu
quả bất ngờ luôn. Thấy mẹ gọi cơm rang trứng là “cơm rang Kim quy”, đậu phụ
luộc là “đậu mơ trắng”, canh trứng cà chua là “canh mây trứng”,… bạn ấy hào
hứng, ăn nhiều hơn hẳn, lại còn đi khoe với mọi người về món mình ăn được.
Chiêu này là do mình đọc ở đâu đó trên mạng có nói về một
cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã cho thấy, các bé mẫu giáo ăn gấp đôi
số lượng cà rốt ban đầu khi món cà rốt luộc đơn giản được thay bằng cái tên “Cà
rốt tia sáng”. Đặt những cái tên thật “kêu” cho món ăn là một cách tưởng chừng
nghe rất “buồn cười” theo suy nghĩ của người lớn nhưng lại có tác dụng cực kì
hiệu quả với trẻ nhỏ đấy.
Làm những món ăn bốc
Trẻ nhỏ rất thích bốc đồ ăn, vì thế hãy chế biến những món
ăn lành mạnh cho trẻ được cầm lên và thưởng thức “vị ngon trên từng ngón tay”.
Bạn Nấm nhà mình rất thích những món vừa tay cầm như rau củ quả giòn (susu, cà
rốt,…) luộc chín, cắt miếng, các món liên quan đến xương sườn, các món chiên
xù,… Nhìn con bốc đồ ăn mê mải mà mắt sáng bừng thích thú thì dù trông có con
có nhọ nhem, lem luốc do đồ ăn dây bẩn đến mấy, mẹ cũng rất vui vì con sẽ hấp
thụ được nhiều chất dinh dưỡng.
Bỏ thêm ít đường
Bọn trẻ con rất mê đường. Bỏ thêm chút đường vào món ăn
cũng không hại cho trẻ nhỏ. Thịt ba chỉ rang bình thường Nấm chẳng bao giờ thèm
ăn nhưng nếu mình làm theo kiểu rang cháy cạnh, bỏ ít đường vào cho có vị ngọt
ngọt và màu cánh gián bắt mắt thì bạn ấy có thể ăn được 2 bát cơm đầy. Canh
xương không được lũ trẻ trong nhà mình thích lắm nhưng nếu mình làm sườn xào
chua ngọt thì đảm bảo, đĩa xương sẽ hết veo trong vòng một nốt nhạc.

Đặt lượng thức ăn nhỏ trong đĩa lớn
Cùng một lượng thức ăn như nhau nhưng nếu đặt thức ăn của
con trong một chiếc bát, đĩa nhỏ khiến món ăn đầy ú ụ, con vốn lười ăn lại càng
“ngán ngẩm”. Vẫn là lượng thức ăn đó, đặt trong bát, đĩa lớn sẽ “đánh lừa” thị
giác của bé, khiến bé nghĩ rằng chỗ thức ăn đó có rất ít và vì thế bé sẽ không
ngại “đánh chén” nữa.
Chế biến thức ăn nhiều màu sắc
Mình phục mấy mẹ biết trang trí, tạo hình dáng dễ thương
như con vật, nhân vật hoạt hình, hoa lá,… cho món ăn lắm nhưng mình không khéo
tay được như thế. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân, mình thấy chỉ cần cố gắng
đưa thật nhiều màu sắc vào bữa ăn là đủ khiến các vị thực khách tí hon ham mê
lắm rồi. Thức ăn có màu sắc nhạt nhòa không chỉ kém hấp dẫn đối với trẻ em mà
còn thường ít chất dinh dưỡng hơn so với thức ăn có màu sắc đậm tự nhiên.
Hãy chế biến sao cho bữa ăn của các bé có nhiều màu xanh,
đỏ , vàng tự nhiên từ thực phẩm… để kích thích cơn thèm ăn của bé. Chẳng hạn
như một bát canh sườn hầm cùng nhiều cà rốt đỏ tươi, khoai tây vàng, rau mùi
xanh,… chắc chắn sẽ khiến bé hào hứng với bữa ăn hơn hẳn.
Không bỏ hẳn đồ ăn vặt
Hãy
cho trẻ ăn đồ ăn vặt trong giới hạn nhất định. Nếu mẹ loại bỏ hoàn toàn đồ ăn
vặt ra khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ, bé sẽ có xu hướng “ăn lấy ăn để”, ăn
thật nhiều mỗi khi có dịp được ăn những món này. Mình vẫn cho con được nhấm
nháp chút kem hay bánh quy ngọt trong ngày, miễn là không để bé ăn tùy thích
đến mức không thể ăn nổi bữa chính.